Nguồn gốc của bánh gạo
Nền ẩm thực Nhật Bản không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn. Người Nhật đã chế biến rất nhiều món ăn đặc sắc từ nguồn lương thực chính là lúa gạo. Trong đó, bánh gạo mang nét đặc trưng và giữ vị trí quan trọng trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

Senbei (煎餅)là tên gọi chung của những chiếc bánh khô truyền thống của Nhật Bản – thường được dùng kèm với trà xanh như một món ăn nhẹ cho khách đến chơi nhà.

Món này có xuất xứ từ Trung Quốc và du nhập vào Nhật Bản từ thời kì Nara. Những chiếc bánh Senbei ở thời kì này còn khá đơn giản, chỉ được làm từ bột mì và đường. Đến thời kì Edo hay thời kì Tokugawa, Senbei đã có nhiều sáng tạo trong phương pháp chế biến. Xuất hiện nhiều loại bánh Senbei với nhiều hương vị hơn, hình dáng khác nhau. Từ đó cũng hình thành hai loại Senbei làm từ bột mì và Senbei làm từ bột gạo.
Senbei làm từ bột mì là loại Senbei truyền thống của vùng Kansai. Nó được chế biến từ bột mì, đường và trứng gà, có vị giống với bánh quy.

Senbei làm từ gạo: Loại Senbei này được sản xuất chủ yếu tại vùng Kanto – vùng sản xuất lúa gạo chủ yếu của Nhật Bản.
Với sự đa dạng về nguyên liệu cũng như cách chế biến, có rất nhiều loại Senbei khác nhau với hương vị thơm ngon đã được các nghệ nhân Nhật Bản làm ra, góp phần làm phong phú thêm kho tàng ẩm thực Nhật Bản.